Windu Wijeweera: “Giờ tớ đã có bạn bè khắp nước Nga”

Windu Wijeweera: “Giờ tớ đã có bạn bè khắp nước Nga”
© SUSU

Chàng nghiên cứu sinh YuUrGU đến từ Sri Lanka, chủ tịch Hiệp hội sinh viên quốc tế Đại học Tổng hợp Quốc gia Nam Ural (YuUrGU) đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống và việc học của mình trong một buổi phỏng vấn.

– Windu này, đề tài nghiên cứu tiến sĩ của bạn có gì hấp dẫn vậy?

– Nói một cách tổng quát thì chúng về lịch sử nước Nga. Một cách chính xác hơn – mối quan hệ giữa Liên Xô và các quốc gia Nam Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lý thuyết về “quyền lực mềm”. Người ta cho rằng đây là một loại chiến thuật bắt nguồn từ phương Tây, Mỹ hay dùng nhất. Tớ đang nghiên cứu cách chúng được sử dụng trong chính trị và ngoại giao của Liên Xô. Đây là một chủ đề nghiên cứu rất thú vị. Tớ bắt đầu suy nghĩ về chúng khi còn đang học chương trình thạc sĩ tại YuUrGU, khoa khoa học chính trị.

– Bạn lấy bằng cử nhân ở quê nhà sao?

– Tớ có 02 bằng cử nhân. Hồi còn ở nhà, Sri Lanka, tớ đã có bằng Cử nhân khoa học xã hội. Sau đó tớ sang Ấn Độ học tại đại học Andhra University - tại đây tớ bắt đầu học ngành khoa học chính trị.

– Làm thế nào bạn đến YuUrGU?

– À, đó là một câu chuyện dài! Cha tớ từng học tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN). Chính xác hơn thì tại thời điểm đó trường có tên là trường UDN Patrice Lumumba, và cha tớ nằm trong nhóm những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên (những năm sáu mươi của thế kỷ trước). Ông học ngành y. Nhưng cả đời đã dấn thân vào chính trị. Thật ra, ông chưa từng làm bác sĩ, ông đã lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Sri Lanka, là người tổ chức cuộc Cách mạng Tháng Tư năm 1971. Cũng có thể niềm yêu thích của tớ đối với chính trị, tình yêu đối với nước Nga bắt nguồn từ ông ấy. Cuối cùng thì điều đó cũng dẫn tớ đến một trong số các trường đại học Nga. Ở Sri Lanka, tớ là chủ tịch câu lạc bộ tiếng Nga. Chỗ tớ có một trung tâm văn hóa Nga khá hoành tráng, nhiều người thích điện ảnh và văn học Nga. Pushkin, Gogol, Dostoevsky, Tolstoy là những cái tên nổi tiếng ở Sri Lanka, họ rất được mến mộ.

47_should_i_study_russian_or_arabic_susu.jpg
© SUSU

– Nhưng bạn đâu có vào trường đại học khoa học xã hội và nhân văn nào đó. Thậm chí cũng không học khoa triết học...

– Chính xác. Tớ quan tâm đến chính trị hơn văn học. Tôi muốn trở thành một nhà ngoại giao. Nên tớ lấy bằng tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế. Và đang viết luận văn trong lĩnh vực này. Hy vọng sau này tớ có thể làm việc cho Đại sứ quán Sri Lanka tại Liên bang Nga. Tất nhiên là được học tại một trường đại học Nga mở ra rất nhiều triển vọng tốt đẹp để tớ có thể hiện thực hóa kế hoạch này. Ít nhất thì tớ đã được làm quen với ngôn ngữ, văn hóa và tình hình chính trị trong nước.

– Bạn thích điều gì nhất ở Nga?

– Mùa đông, tất nhiên rồi! Băng và tuyết. Chúng rất thú vị. Tớ đã quyết định học vài môn thể thao mùa đông. Tớ được tặng đôi giày trượt tuyết nhưng vẫn chưa có ván trượt.

– Học ở trường này thế nào? Bạn thích nghi được không?

– Tớ chẳng gặp vấn đề gì khi học ở YuUrGU cả. Chương trình giảng dạy tốt – người mới sẽ được một sinh viên khóa trên hỗ trợ, họ có thể đến từ cùng quốc gia hoặc là các bạn Nga, điều này giúp sinh viên mới hòa nhập nhanh chóng, không bị stress do phải thích nghi hay gặp rào cản ngôn ngữ. Khi mới nhập học khoa dự bị, tớ được một anh học năm tư đến từ Sri Lanka hỗ trợ. Giờ thì tớ đang giúp các bạn sinh viên mới đến từ Châu Á.

20180119-dsc_8709.jpg
© SUSU

– Bạn học tiếng Nga ở khoa dự bị?

– Tớ có thể nói rằng tụi tớ đã học cách sống và học tập tại Nga ở khoa dự bị. Chương trình tất cả các môn đều được điều chỉnh cho phù hợp, mùa đông thì chúng tớ được học cách thích nghi. Nghĩa đen ấy – thầy cô bày cho tụi tớ cách phải ăn mặc như thế nào trong thời tiết này, đi bộ thế nào nếu đường bị đóng băng...

– Bạn có kết bạn với người địa phương không?

– Tớ có nhiều bạn Nga lắm. Lúc mới đến, họ chuyển tớ vào ký túc xá sinh viên quốc tế nhưng tớ nói muốn đổi đến ở trong ký túc xá với các bạn Nga. Như vậy sẽ dễ học ngôn ngữ và hiểu văn hóa hơn. Năm 2017, tớ có tham gia Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ XIX - giờ tớ có bạn khắp Liên bang Nga. Nhờ họ, tớ đã đi du lịch khắp nước – từ Kaliningrad đến Novosibirsk. Trừ Vladivostok tớ vẫn chưa ghé qua được. Giờ chỉ cần gọi cho ai đó trong nhóm bạn và bảo: “Tớ sẽ đến thăm cậu", Họ sẽ gặp và dẫn tớ đi chơi khắp thành phố.

1(107).jpg
© SUSU

– Bạn đi du lịch một mình à?

– Thường thì đi một mình. Thỉnh thoảng thì đi cùng một người bạn và phó chủ tịch Hiệp hội sinh viên quốc tế Đại học của Nam Ural – Diana (bạn ấy đến từ Kazakhstan). Nói chung chưa bao giờ có vấn đề gì. Tớ đi tàu, máy bay, đi chung xe BlaBlaCar - nói chung tớ luôn gặp được những người bạn đồng hành rất dễ chịu và thân thiện. Tớ thích chụp thiên nhiên và con người. Nước Nga thật sự là thiên đường để chụp ảnh! Không có thành phố nào giống thành phố nào: những khuôn mặt khác nhau, cảnh vật khác nhau. Ví dụ như Matxcơva hoàn toàn khác xa Saint-Petersburg, còn Kaliningrad cũng rất khác so với Tyumen ...

– Bạn bắt đầu chụp ảnh từ khi nào? Bạn có học khóa nhiếp ảnh nào không?

– Tớ đã bắt đầu chụp ảnh ở Sri Lanka, nhưng chỉ thực sự quan tâm đến nó khi ở Nga. Tại đây, tớ cũng làm quen với các bạn thuộc trường nhiếp ảnh của YuUrGU và học hỏi được nhiều điều.

– Bạn đã từng có triển lãm ảnh chưa?

– Tớ đã từng tham gia cuộc thi “Nước Nga trong mắt sinh viên quốc tế”, giành được 05 đề cử và tại trường đại học tớ cũng được mời mở một buổi triển lãm cá nhân.

aUxf06xtK68.jpg
© SUSU

– Bạn còn làm thơ nữa đúng không? Bằng tiếng Nga?

– Bằng tiếng Bengal. Tớ tự dịch nó sang tiếng Anh. Thường thì các bài thơ sẽ là chú thích cho các bức ảnh. Diana giúp tớ dịch chúng - tớ cho bạn ấy xem các bức ảnh, bạn ấy sẽ giúp tớ nghĩ ra phần chữ ký tương ứng bằng tiếng Nga. Lúc đi trên tàu, tụi tớ uống trà và cùng sáng tác. Tàu nói chung là một nơi như vậy... Mọi người trên tàu cùng hát với đàn guitar, chơi cờ. Còn tụi tớ thì làm thơ.

– Cơ duyên nào bạn lại trở thành chủ tịch Hiệp hội sinh viên quốc tế?

– Do bầu cử thôi, chúng được tổ chức hàng năm. Năm ngoái một bạn nghiên cứu sinh đề cử tớ - rồi tớ được chọn, năm nay họ lại chọn tớ. Hiện tụi tớ có một đội rất ổn, gần gũi.

– Bạn có lời khuyên gì cho các bạn nước ngoài định học ở Nga không?

– Nếu Nga xuất hiện trong kế hoạch của bạn thì hãy loại bỏ ngay những lựa chọn khác! Học tập tại Nga là cơ hội tuyệt vời để tạo lập mối quan hệ quốc tế. Tớ nói chuyện với các bạn đến từ 54 quốc gia. Nếu bạn sẽ làm việc trong mảng chính trị và ngoại giao – đây là một lợi thế không thể phủ nhận. Tớ hiểu con người từ khắp nơi trên thế giới: không chỉ từ Nga và châu Á, mà còn từ châu Phi, các nước Ả Rập, từ châu Mỹ Latinh. Tớ có bạn bè khắp nơi. Đối với một nhà ngoại giao thì đây là một điểm cộng cực lớn.

Chia sẻ